Hỏi đáp

những câu hỏi thường gặp

1. Khai nhận di sản thừa kế khi có người thừa kế chưa thành niên ?

Vấn đề vướng mắc ở đây là con của vợ chồng anh bạn là người chưa thành niên. Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì: 

- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

- Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo quy định trên thì người con nhỏ không thể tự mình xác lập, thực hiện việc phân chia di sản thừa kế với những đồng thừa kế khác, mà phải thực hiện thông qua người đại diện là bố của cháu. Như vậy, trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, người chồng (bạn của bạn) sẽ tham gia đồng thời với hai tư cách: một là chính mình với tư cách là người được hưởng di sản thừa kế của vợ, hai là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên.

Tuy nhiên, như bạn đã biết, khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự về phạm vi đại diện có quy định: Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định này thì trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, người chồng không thể đại diện cho con chưa thành niên để tặng cho phần di sản của các con cho chính mình được (người đại diện xác lập giao dịch với chính mình).

Bạn nên khuyên bạn thực hiện theo hai cách thức:

(i) Hoặc làm văn bản khai nhận di sản thừa kế (quy định tại Điều 50 Luật Công chứng): Theo đó, người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

Sau khi lập văn bản khai nhận di sản thừa kế với nội dung trên thì bố mẹ vợ, người chồng và hai con sẽ trở thành đồng chủ sử dụng/sở hữu ngôi nhà mà người vợ để lại và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên cả năm người này.

(ii) Hoặc, vẫn có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Điều 49 Luật Công chứng: Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản. Trong văn bản thoả thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác.

Nhưng trong phần phân chia di sản thừa kế thì chỉ có bố mẹ vợ tặng cho phần di sản mà họ được hưởng cho bạn của bạn (nếu các bên đồng ý). Phần di sản thừa kế của con chưa thành niên sẽ được giữ nguyên, không tặng cho ai.

Sau khi lập văn bản này, bạn của bạn và hai người con của anh sẽ trở thành đồng chủ sử dụng/sở hữu ngôi nhà mà người vợ để lại và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên ba bố con.

2. Công chứng hợp đồng mua bán nhà nhưng người bán không đến được tổ chức công chứng ?

Về thẩm quyền công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản, Điều 37 Luật Công chứng quy định như sau:

- Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

- Công chứng viên của các tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản.

Theo quy định nêu trên, hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho nhà giữa bố mẹ bạn và vợ chồng bạn bắt buộc phải thực hiện tại tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (nơi có bất động sản).

Nếu bố mẹ bạn không thể vào Vũng Tàu để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng thì bạn có thể lựa chọn hai cách thức sau đây:

Cách thứ nhất: Yêu cầu công chứng ngoài trụ sở

Điều 39 Luật Công chứng quy định: Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp sau: Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Nếu yêu cầu công chứng ngoài trụ sở thì bố mẹ bạn sẽ không phải đến trụ sở của tổ chức công chứng tại Vũng Tàu nữa nhưng bạn sẽ phải trả một khoản thù lao (không phải là nhỏ) cho tổ chức công chứng đó.

Cách thứ hai: Bố mẹ bạn ủy quyền cho người khác thực hiện việc bán nhà

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (Điều 581 Bộ luật Dân sự).

Bố mẹ bạn có thể ủy quyền cho bất kỳ người nào để thực hiện việc bán nhà cho vợ chồng bạn. Nếu người được ủy quyền đang cư trú gần với bố mẹ bạn thì bố mẹ bạn và người được ủy quyền có thể đến bất kỳ tổ chức công chứng nào gần nhà để làm thủ tục ủy quyền. Thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng và văn bản hướng dẫn.

Nếu, người được ủy quyền đang cư trú xa nơi cư trú của bố mẹ. Thủ tục công chứng đối với trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, cụ thể như sau: Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi cư trú của họ công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được y quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

Người được ủy quyền sẽ được thay mặt và nhân danh bố mẹ bạn thực hiện thủ tục mua bán nhà với vợ chồng bạn tại tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Khi làm theo cách thức này thì bạn nêu lưu ý:

- Người được ủy quyền nên là người đang cư trú tại Vũng Tàu, như vậy sẽ thuận tiện cho việc thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà sau này.

- Vì theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân: Thu nhập chịu thuế bao gồm cả khoản thu nhập từ việc ủy quyền quản lý bất động sản mà người được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật.

Nên, để tránh phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với hợp đồng ủy quyền thì bạn nên chọn người được ủy quyền thuộc một trong các trường hợp sau để được miễn thuế thu nhập cá nhân (theo khoản 1 điều 4 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP: Thu nhập (được miễn thuế thu nhập cá nhân) từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau.

3. Cam kết trước khi kết hôn ? Em chuẩn bị kết hôn, em muốn có bản cam kết trước hôn nhân về vấn đề nếu chồng không chung thủy thì em sẽ sẽ có quyền nuôi con và tất cả số tài sản của 2 vợ chồng thuộc về em và con. Vậy giờ em có thể công chứng tại xã, phường được không? Nên làm tại thời điểm cùng hay sau kết hôn, thủ tục có đơn giản không? Rât mong nhận được tư vấn!

Khi tiến hành một giao dịch, bạn cần tuân thủ những quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại Điều 122 Bộ luật Dân sự:

- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

+ Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

+ Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

- Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, chúng tôi cho rằng, việc thỏa thuận nội dung “nếu chồng bạn không chung thủy thì...” là không phù hợp với quy định của pháp luật cũng như đạo đức xã hội nên không thể thực hiện và không công chứng được. Mặc dù, trong xã hội hiện nay, việc vợ chồng không chung thủy là vấn đề không khó xảy ra nhưng pháp luật Việt Nam đã quy định rõ: Vợ chồng chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững (Điều 18 Luật Hôn nhân và gia đình về tình nghĩa vợ chồng). Hơn nữa, đây còn là vấn đề về đạo đức xã hội, khi đăng ký kết hôn, vợ chồng bạn phải có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng, vun đắp cuộc sống gia đình bền chặt, hạnh phúc, chứ không phải là lo lắng việc người này hay người kia không chung thủy.

Đối với mong muốn được nuôi con và hưởng toàn bộ tài sản của bạn: Trong trường hợp xảy ra các vấn đề (tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt) dẫn đến hai vợ chồng bạn ly hôn thì bạn có thể thỏa thuận với chồng bạn để đạt được mong muốn này. Nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể đề xuất nguyện vọng của mình về việc nuôi các con và được hưởng toàn bộ tài sản chung vợ chồng tại Tòa án khi giải quyết ly hôn. Tòa án sẽ xem xét tới nguyện vọng của hai bên, sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng để quyết định vấn đề này. Luật Hôn nhân và gia đình cũng có quy định vấn đề này như sau:

- Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:

+ Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

+ Vợ, chồng thỏa  thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa  thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa  thuận khác.

- Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình về nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn:

+ Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa  thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

+ Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề  nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

+ Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa  thuận; nếu không thỏa  thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

4. Chuyển nhượng quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình khi một thành viên ở nước ngoài ?

Nếu đúng như thông tin bác cung cấp, tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình, các con của bác đều có tên trong sổ hộ khẩu thì các con cũng là một trong các đồng chủ sử dụng thửa đất đó. Việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình (chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp...) được quy định tại Điều 64 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai cụ thể:

- Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.

- Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.

Theo quy định trên thì khi bác chuyển nhượng thửa đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình thì phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên, trong đó có người con đang ở nước ngoài.

Nếu người con đang ở nước ngoài không thể về nước để thực hiện các thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật được thì có thể quyền cho một người ở nhà thực hiện các thủ tục đó. Thủ tục:

- Con trai bác đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (đại sứ quán, lãnh sự quán nơi con bạn sinh sống) để yêu cầu công chứng hợp đồng ủy quyền (thẩm quyền quy định tại Điều 65 Luật Công chứng).

- Sau khi nhận được văn bản ủy quyền từ nước ngoài gửi về, người được ủy quyền sẽ làm thủ tục thụ ủy tại một tổ chức công chứng tại Việt Nam.

- Sau khi hoàn thành thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền thì người được ủy quyền sẽ được đại diện và nhân danh con trai bác cùng với các đồng chủ sử dụng khác thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình bác

5. Chứng thực bản dịch .Em là sinh viên y khoa chuẩn bị tốt nghiệp tại Trung Quốc. Em cần phải về Việt Nam học thêm 1 năm, và trường yêu cầu cung cấp 01 bản sao bằng tốt nghiệp đại học có công chứng, đối với sinh viên tốt nghiệp đại học Y ở Trung Quốc phải kèm bản dịch có công chứng. Về bản dịch,em phải làm 1 bản dịch ở bên Trung Quốc rồi công chứng ở đó, hay về Việt Nam làm dịch và công chứng ở Việt Nam. Em xin cảm ơn!

Đây là thủ tục chứng thực chữ ký của người dịch. Bạn phải thực hiện thủ tục này tại Việt Nam theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Theo đó: Bạn có thể yêu cầu một người dịch văn bản cho bạn (hoặc chính bạn có thể dịch văn bản đó), sau đó đến Phòng Tư pháp - Ủy ban nhân dân cấp huyện để chứng thực chữ ký của người dịch trên bản dịch:

- Người dịch phải là người thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch.

- Người dịch phải cam đoan và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch.

- Việc chứng thực chữ ký của người dịch được thực hiện theo thủ tục chứng thực chữ ký được quy định tại Điều 17 của Nghị định này.

+ Cá nhân yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây: Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác; Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký vào đó.

+ Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực.

+Người thực hiện chứng thực phải ghi rõ ngày, tháng, năm chứng thực; địa điểm chứng thực; số giấy tờ tuỳ thân của người yêu cầu chứng thực, ngày cấp, nơi cấp; chữ ký trong giấy tờ, văn bản đúng là chữ ký của người yêu cầu chứng thực; sau đó ký và ghi rõ họ, tên và đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

- Trang đầu tiên của bản dịch phải được ghi rõ chữ "BẢN DỊCH" vào chỗ trống phía trên bên phải. Nếu bản dịch có từ hai trang trở lên thì phải đánh số trang theo thứ tự và phải đóng dấu giáp lai giữa các tờ. Bản dịch phải được đính kèm với bản sao của giấy tờ cần dịch

Hổ trợ - liên kết

Để đáp ứng nhu cầu công chứng ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn, tạo điều kiện để giải quyết công việc một cách nhanh chóng,phòng công chứng Sông Hàn đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển đổi mô…

thông tin đặt hẹn

Tên
Email
Tiêu đề
Địa chỉ
Nội dung

gửi thư góp ý

Tên
Email
Tiêu đề
Địa chỉ
Nội dung